Trong chúng ta, chắc hẳn ai ai cũng biết đến câu: “Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Câu thơ lục bát quen thuộc từ bao đời nay đã ăn sâu vào trong trái tim và tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Cũng sắp đến ngày giỗ tổ rồi, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu về câu ca dao này nhé!
“Mùng mười tháng ba” – Ngày Quốc giỗ của dân tộc
“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba…”
Giỗ tổ Hùng Vương, hay còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Việt Nam. Nếu Tết nguyên đán là để nhớ tới ông bà, tổ tiên, là ngày lễ hướng về gia đình, thì Giỗ tổ Hùng Vương là ngày để mỗi người con đất Việt nhớ đến cội nguồn của cả dân tộc, nhớ tới công lao dựng nước và giữ nước của các bậc Vua Hùng từ ngàn năm xưa. Ngày Quốc lễ được tổ chức tại quê cha đất tổ, đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân trên cả nước cũng như nước ngoài hướng tới.
Lịch sử câu thơ lục bát “dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Ngược lại dòng thời gian, sử cũ có ghi chép lại, vị vua đầu tiên của nước là Kinh Dương Vương, họ Hồng Bàng, truyền ngôi cho con trai của mình là Sùng Lãm, hay Lạc Long Quân. Theo truyền thuyết, sau này Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra được 100 người con, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi và từ đó tạo thành cội nguồn của 54 dân tộc anh em. Con trai trưởng của Lạc Long Quân nối ngôi cha lấy hiệu là Hùng Vương, và đó cũng là đời vua Hùng đầu tiên trong số 18 đời vua Hùng.
Thực chất đất nước Văn Lang đã trải qua 88 đời vua Hùng, nhưng lịch sử chỉ ghi lại được 18 đời vua Hùng. Nhà nước Văn Lang nhờ sự cai trị của các vua hùng cũng trải qua thời kỳ trị vì lâu nhất khoảng hơn 2000 năm.
Theo những ghi chép từ thời Hồng Đức hậu Lê thì việc hương khói trong đền Hùng vẫn được các nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và cả Hậu Lê duy trì, người dân khắp nơi trên cả nước đều nhớ về lễ bái, tưởng nhớ công lao của Vua cha đất tổ. Dù ở thời đại nào thì ngày Giỗ Tổ đều được công nhận là một trong các đại lễ quốc gia.
Giải nghĩa câu nói “dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Trong dân gian từ xa xưa đã truyền miệng nhau câu lục bát:
“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Câu lục bát trên để nhắc về thời điểm lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch chỉ là ngày lễ chính với hoạt động rước kiệu, dâng hương lên đền Thượng, thực chất lễ hội đã được tổ chức trước đó nhiều tuần với các phong tục cổ truyền như đánh trống đồng, hành hương tưởng nhớ các vua Hùng.
Trong ngày hội chính, sẽ có 2 lễ được cử hành song song nhau:
- Lễ rước kiệu: Đoàn rước kiệu gồm cờ, hoa, lọng, kiệu,…sẽ xuất phát từ chân Nghĩa Lĩnh, đi qua các đền Hạ, đền Trung để tới nơi làm lễ dâng hương là đền Thượng
- Lễ dâng hương: Những người hành hương từ khắp nơi trên đất nước sẽ về đền Thượng, dâng lên một nén hương để bày tỏ lòng biết ơn của mình với các bậc tổ tiên của đất nước.
Khác với không khí trang trọng của phần lễ, phần hội tươi vui hơn với nhiều trò chơi dân gian. Đồng thời còn có những cuộc thi hát xoan, thi đấu vật, kéo co, hay bơi trải…
Kết luận
Mong rằng thông qua bài viết, bạn đã hiểu rõ hơn về ngày Quốc giỗ của dân tộc cũng như hiểu hơn ý nghĩa của “dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.
Discussion about this post